Tiểu sử Thương hiệu Tóc Ba Lê Đà Lạt – Câu chuyện 60 năm một chặng đường

Ngày: 24-10-2017 | Lượt xem: 9338

BaLê – chuỗi salon tóc có mặt từ rất sớm ở cả 2 miền Bắc – Nam do ông La Vinh Giai sáng lập , trong quá trình làm việc ông đã thấy được hai học trò tâm đắc của mình có duyên với nhau nên đã đứng ra kết hợp đôi trai tài gái sắc thành gia thất, giao trọn quyền quản lý và đến năm 1957 salon BaLê , một trong những salon tóc đầu tiên tại Đà Lạt chính thức được ra đời với chủ nhân mới là đôi vợ chồng trẻ ông Voong Khoan Dzênh và bà Trần Thu Phương.

Thành phố Đà Lạt vào thời kì những năm 50-60 vẫn còn là một thành phố nhỏ thanh vắng còn đậm nét Tây Nguyên hoang sơ với những cánh rừng thông và sương mù phủ quanh năm; lúc ấy chị em đồng bào như dân tộc K’ho, Lạch.. vẫn chưa có thói quen mặc áo, nam vẫn còn phải đóng khố, người phụ nữ Đà Lạt thì giữ nét truyền thống với những mái tóc búi tỏi; và khái niệm làm đẹp vẫn còn khá xa lạ với lối sống cổ kính của người Đà Lạt xưa.
Ông bà đã nghiên cứu rất nghiêm túc từ kĩ thuật cho đến phương pháp làm tóc đều phải điều chỉnh cho phù hợp với văn hóa làm đẹp của vùng miền, hai vợ chồng đã thay đổi được lối suy nghĩ và cách nhìn khiến chị em phụ nữ muốn sở hữu một kiểu tóc đẹp và sang trọng, làm mới mình theo lối làm đẹp của dòng chảy thời trang . Từ đấy các chị em truyền miệng nhau, khoe những mái tóc đẹp đẽ, hợp thời nên khách hàng kéo đến nườm nượp và thời hoàng kim của Salon BaLê , cũng như tên tuổi của salon được khẳng định từ đó

Em trai bà Phương là ông Trần Che Kin cùng vợ là bà Huỳnh Lệ Chương sau một năm làm việc tại Đà Lạt thì cũng đã tách ra và phát triển một salon riêng tại huyện Đơn Dương, Lâm Đồng vào năm 1958 với cái tên nay dã trở nên quen thuộc với người dân nơi đây là Viện tóc Chân Thiện Mỹ. Hai cô con gái là Trần Huệ Linh và Trần Huệ Hưng cũng nối nghiệp gia đình. Đến tuổi lập gia đình mỗi người lại lựa chọn những con đường khác nhau nhưng chị Linh vẫn giữ vững nghề của mình và tiếp tục làm việc đến ngày hôm nay.

Sự nghiệp ngày càng phát triển, gia đình của hai vợ chồng cũng lớn dần theo sự ra đời của 4 người con, 2 nam 2 nữ, lần lượt vào những năm 1959, 1962, 1964 và 1967. Công việc ngày càng ăn nên làm ra và 4 người con ngày càng khôn lớn.

Nhưng thời hoàng kim không tồn tại được mãi bởi đời sống người dân khó khăn hơn trong thời kì hậu chiến, cái ăn cái mặc còn thiếu thốn, nhu cầu làm đẹp của người dân lúc đó gần như không còn, câu chuyện của Salon Balê sau năm 1975 thật sự bế tắc. Ông Voong Khoan Dzênh từ bỏ nghề tóc và chuyển qua làm tài xế taxi, bà Trần thu Phương phải loay hoay cố gắng duy trì cửa tiệm, có những thời điểm mấy anh em đi học về chỉ mong thấy trong tiệm có một người khách, một nỗi buồn khó tả xâm chiếm tâm can. Năm 1983 sau khi ông Voong khoan Dzênh qua đời lúc 53 tuổi, gánh nặng gia đình một mẹ bốn con lại một lần nữa đè nặng trĩu trên đôi vai của bà.

Đến năm 1987 người con trai cả Voong Cường kết hôn và cùng vợ quán xuyến công việc gia đình cùng mẹ, học và làm nghề tại nhà, với sự tận tụy và khéo léo của vợ anh là chị Võ Kim Anh, hai vợ chồng anh quyết định phát triển một chi nhánh của Salon BaLê tại huyện Đức Trọng, Lâm Đồng vào năm 1989. Tuy có thời gian gắn bó với nghề tóc nhưng anh nhận ra mình không thật sự phù hợp với nghề; sau khi quay về Đà Lạt anh đã tự mày mò phương pháp mài kéo và kềm cho gia đình, từ đó tiếng lành đồn xa anh trở thành người thợ mài kéo và kềm và đáp ứng được nhu cầu của đại đa số thợ tóc và thợ làm nail tại Đà Lạt.

Kế đến người con trai thứ hai, Voong Quyền, vào năm 1991 định cư tại Hoa Kỳ. Cuộc sống ở nước ngoài không dễ hội nhập nhưng vì quyết tâm gắn bó với nghề gia truyền anh đã cố gắng học tiếng bản xứ, làm nhiều công việc để mưu sinh, trang trải học phí cho tấm bằng tóc tại Atlanta Area Technical School. Sau 3 năm theo học chính quy và không hổ danh con nhà nghề anh đã tốt nghiệp chuyên ngành tóc với số điểm cao nhất, làm việc cho Salon Hair Capital tại Atlanta được 23 năm. Hiện nay anh vẫn tiếp tục làm việc và nắm giữ vị trí tổng quản lý cho Salon Hair Capital – Atlanta.

Về chị Voong Vân, sau khi ông Voong Khoan Dzênh qua đời cũng là lúc người con gái thứ ba đủ lớn khôn để tiếp quản Salon khi nền kinh tế đã khởi sắc và mọi người không còn phải lo từng miếng cơm manh áo nữa và biết chăm sóc bản thân nhiều hơn. Chị quyết tâm về Sài Gòn cập nhật kĩ thuật và phương pháp mới, mang về những xu hướng thời trang hiện đại của những năm 80. Với sự nỗ lực và niềm đam mê, chị đã vực dậy Salon BaLê, làm khởi sắc một thời kì mới, khơi gợi lại nhu cầu muốn được làm đẹp của chị em phụ nữ trong giai đoạn đổi mới; một lần nữa tên tuổi của Salon BaLê lại được khẳng định.

Đến ngày lập gia đình và một cuộc sống mới cùng nhà chồng vào năm 1989 và mở một Salon Balê ở Định Quán, Đồng Nai. Định Quán lúc bấy giờ chỉ là một thị trấn nhỏ với những người nông dân có lối sống đơn giản và mộc mạc, chị quyết tâm thay đổi cách suy nghĩ và phong cách sống của người dân nơi đây. Không dừng lại tại đó, với tinh thần cầu tiến chị luôn muốn phát triển tay nghề của mình nên đã tiếp tục tham gia lớp trang điểm của Paloma & Jima Club tại Sài Gòn. Việc học hành trở nên khó khăn hơn sau khi lập gia đình và sinh con, chị phải di chuyển mỗi ngày từ Định Quán đến Sài Gòn để học và quay về trong ngày, nhưng điều đó đã không khiến chị nản chí, với niềm đam mê và nỗ lực của mình, chị đã tốt nghiệp loại ưu đồng thời đạt giải cao nhất trong cuộc thi trang điểm – tạo mẫu tóc do Paloma & Jima Club tổ chức. Sau khi hoàn thành khóa học và tập trung phát triển Salon, khách hàng ngày càng tin tưởng chị và thu hút được nhiều khách. Chị đã nhận và đào tạo thành công nhiều học viên, điển hình là Oanh BaLê (Q12, tp.HCM) và Hương BaLê (Tân Uyên, Bình Dương).


Chị Vân sau khi lấy chồng đã giao lại toàn bộ sự nghiệp cho vợ chồng cô em út là Voong Miêu Thuận, hay còn được mọi người gọi thân mật là Suỳnh BaLê và anh Nguyễn Hữu Hoàng Sơn quản lý. Tiếp nối sự thành công từ chị Vân, hai vợ chồng chị Thuận đã dày công phát triển salon và studio áo cưới, tạo được tín nhiệm trong cộng đồng. Đến năm 2004, anh Sơn qua đời sau một cơn bạo bệnh, một mình chị phải cán đáng việc nhà lẫn việc tiệm, còn hai đứa con gái vẫn còn rất nhỏ, nhưng nhờ có sự đồng lòng và yêu quý của nhân viên và học viên, các em đã san xẻ với chị rất nhiều trong khoản thời gian khó khăn đó. Chị Suỳnh cũng đã tự mình học hỏi rất nhiều thông qua các chương trình đào tạo, tu nghiệp tại nhiều quốc gia trên thế giới, giao lưu chia sẻ kĩ thuật cùng đồng nghiệp trên khắp mọi miền đất nước, từ đó rút ra những kinh nghiệm cho bản thân, nâng cao thêm tay nghề của mình giúp Salon BaLê phát triển bền vững cho đến ngày hôm nay. Chị cũng đã đào tạo nhiều khóa học viên, giúp các em định hướng và giữ lấy niềm đam mê với cách giảng dạy, chia sẻ tận tâm của mình. Nhiều học viên sau khi học và làm việc tại salon, cảm thấy tay nghề bản thân đã đủ vững vàng, các em đã mạnh dạng đứng ra xây dựng sự nghiệp của riêng mình và gặt hái được nhiều thành công.

Không chỉ làm việc tại Salon, chị Suỳnh còn tham gia những hoạt động thiện nguyện vì cộng đồng, truyền cảm hứng làm đẹp cho chị em phụ nữ thông qua các lớp dạy học trang điểm cá nhân thường xuyên được tổ chức tại Chi hội Phụ nữ, bệnh viện, các tổ chức công đoàn – khách sạn. Tỉnh Lâm Đồng cũng đã trao tặng bằng khen cho chị khi tham gia chương trình trang điểm, làm tóc cho 21 cô dâu trong sự kiện Đám cưới tập thể chào mừng Thiên niên kỷ mới (2001).

Vào năm 2016, chị Suỳnh được vinh danh trong Sách vàng Nhà tạo mẫu tóc đương đại Việt Nam do Nhà xuất bản Thông Tấn,như một dấu ấn đáng nhớ với những cống hiến cho nghệ thuật thời trang tóc và sự hoạt động bền bỉ trong sự nghiệp của mình.

Như một mối nhân duyên trời định, chị Suỳnh sau khi tái hôn thì gặp được người cháu chồng là chị Genevieve Chartrand cũng đã theo nghề tóc được 25 năm và hiện đang làm việc tại Quebec, Montréal, Canada. Cây gia phả nghề như được mở rộng ra và vươn cao bền bỉ hơn nữa.
Bà Trần Thu Phương sau khi vượt qua bao gian nan sóng gió bà đã lèo lái con thuyền đến tận bờ bến và giao lại sự nghiệp cho các con hoàn thành sự nghiệp vẻ vang cho cuộc đời mình, giờ bà đã có thể an dưỡng tuổi già hạnh phúc cùng con cháu ở tuổi 86.

Tiếp đến thế hệ thứ ba, hai cô con gái của chị Suỳnh và con gái thứ của chị Vân đã tiếp tục theo sự nghiệp của gia đình. Nguyễn Hữu Gia Hân là con gái lớn của chị Suỳnh; sau khi học đại học, được thừa hưởng sự đam mê từ gia đình em đã theo học ngành tóc 2 năm và quay về làm việc cùng gia đình, tự quản lý một của tiệm tóc nam. Hiện tại em đang tham gia giảng dạy tại Trường nghề tư thục Lasan của Bộ LĐTBXH sau khi tốt nghiệp khóa Sư phạm dạy nghề tỉnh Lâm Đồng. Thường xuyên tham gia các khóa đào tạo tại Hà Nội và tp. Hồ Chí Minh, em vẫn tiếp tục học tập trau dồi tay nghề và tích lũy thêm kinh nghiệm để kế thừa sự nghiệp gia đình cùng em gái.

Nguyễn Hữu Gia Bảo là con gái út của chị Suỳnh. Từ những năm còn học cấp ba em đã tham gia các khoá trang điểm do mẹ đứng lớp. Từ những thắc mắc nhỏ em đã tò mò tìm tòi và nghiên cứu ngành làm đẹp này. Nuôi nấng niền đam mê từ đó, em đã luôn cố gắng phát triển tay nghề cho bản thân, luyện tập trang điểm cho nhiều gương mặt khác nhau, học hỏi thêm nhiều kiến thức từ xung quanh. Đến nay đã 5 năm từ ngày em chập chững học nghề. Không tránh khỏi những khó khăn khi bỡ ngỡ làm cho những vị khách đầu tiên, nhưng em vẫn không nản chí mà từ đó còn rút ra nhiều kinh nghiệm và bài học cho mình. Song song việc học đại học và làm nghề, em đã tham gia giảng dạy một số khoá trang điểm và các hoạt động liên quan đến làm đẹp ở địa phương.

Lìu Hý Uyển là con gái thứ của chi Vân sau khi học đại học em đã xác định được cho mình là theo bộ môn xăm hình nghệ thuật và em đã tự mình trau dồi tìm hiểu thêm các kiến thức về xăm hình nghệ thuật từ đó đến nay đã được hơn 1 năm và giờ em đang có 1 mặt bằng nhỏ làm kết hợp cùng với chị Gia Hân. Ngoài nghề xăm hình nghệ thuật em cũng đang học thêm nghề tóc tại trường nghề tư thục Lasan để tiếp tục giữ vững sự nghiệp của gia đình.

Hồ Lập Đăng, cháu họ nội của ông Voong Khoan Dzênh, đang sống và làm việc tại KP7 – Đức Trọng, Lâm Đồng. Từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường anh đã có niềm đam mê mãnh liệt với những mẫu tóc đẹp và quyết định nung nấu thực hiện ước mơ trở thành nhà tạo mẫu tóc chuyên nghiệp. Anh đã lựa chọn nơi học nghề đầu tiên đặt những nền móng cho mình tại Salon BALE tại Định Quán. Sau 2 năm trau dồi về kỹ năng anh trở về nhà tiếp tục học nâng cao và làm thợ phụ cho một salon tại Đức Trọng. Khi đã đủ tự tin về tay nghề cũng như nắm bất cách quản lý để có thể ra mở một Salon cho riêng mình vào năm 2013, HAIR SALON ĐĂNG HỒ. Mặc dù bước đầu khó khăn phải một mình lo toan mọi thứ nhưng anh cũng không quên dành ra thời gian trau dồi thêm tay nghề để có thể bắt kịp xu hướng và phục vụ tốt hơn cho khách hàng của mình.

Minh Ngọc

Bình luận (0)

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công khai.*

*

  1. Chưa có phản hồi.

Đại Lễ Giổ Tổ Ngành Làm Đẹp 2024 – Thu Hút Hàng Ngàn Người Tham Dự

Sự kiện đã thu hút sự chú ý không chỉ từ cộng đồng làm đẹp mà còn từ giới truyền thông, đối tác doanh...

Sự kiện 30 năm một chặng đường của Á Khôi Phương Hoàng Anh thành công rực rỡ

Sự kiện đã thu hút gần 500 khách mời tham dự là bạn bè thân thiết, gia đình, đối tác, khách hàng VIP và nhiều...

Lễ Tri Ân Tổ Nghiệp Ngành Tóc Đà Nẵng, Quảng Nam diễn ra thành công tốt đẹp

Sự thành công của sự kiện LỄ TRI ÂN TỔ NGHIỆP NGÀNH TÓC ĐÀ NẴNG QUẢNG NAM góp phần vào sự phát triển của ngành...